Bài 1: Độc đáo Mỹ Sơn
Ngày nay ngày càng có nhiều du
khách tìm đến với Quảng Nam, bởi nơi đây không chỉ là một mảnh đất với
nhiều danh thắng hấp dẫn mà còn là nơi có hai Di sản Văn hóa Thế giới,
đó là Thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An. Ở bài viết này, chúng tôi muốn
nói đến quần thể di tích Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy
Xuyên đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào tháng
12-1999.
Nếu chúng ta hành trình từ miền Trung
vào Nam và ngược lại, có thể nhìn thấy những nét độc đáo của nền văn hóa
Chăm qua những tháp Chàm nằm rải rác đó đây. Nhưng phải nói rằng, nổi
tiếng nhất là quần thể di tích Thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam.
Không gian phía ngoài của những đền tháp Mỹ Sơn
Nhiều người khi đến Mỹ Sơn đã so sánh
thánh địa này với tổ hợp các đền đài ở một số nước Đông Nam Á như:
Angkor Wat (Campuchia), Ayutthaya (Thái Lan), Pagan (Myanma)… và ngỡ
ngàng, thán phục trước vẻ đẹp độc đáo của nó và với phong cảnh hữu tình
nơi đây.
Thánh địa Mỹ Sơn nằm ở một thung lũng
được bao quanh bởi đồi núi với bán kính khoảng 2 km, với hơn 70 công
trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ
13. Mỹ Sơn đã trở thành trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Vương
quốc Chămpa. Nơi đây được coi là một trong những trung tâm đền đài chính
của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại
này tại Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu, những dòng chữ
ghi trên tấm bia sớm nhất ở Mỹ Sơn có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 cho
biết vua Bhadresvara đã xây dựng một ngôi đền để dâng cúng thần Siva –
Bhadravarman. Hơn hai thế kỷ sau, ngôi đền đầu tiên được xây dựng bằng
gỗ đã bị thiêu huỷ trong một trận hỏa hoạn lớn… Đầu thế kỷ thứ 7, vua
Sambhuvarman đã xây dựng lại ngôi đền bằng những vật liệu bền vững hơn
tồn tại đến ngày nay. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadravarman – vị
vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ 4
kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần – vua và
tổ tiên hoàng tộc.
Năm 1898, Mỹ Sơn được phát hiện bởi một
học giả người Pháp tên là M.C Paris. Vào những năm đầu thế kỷ 20 này,
hai học giả Pháp là L.Finot và L.de Lajonquière và kiến trúc sư kiêm nhà
khảo cổ học H. Parmentier đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu văn bia và nghệ
thuật kiến trúc điêu khắc Chăm. Sau đó vào năm 1903 – 1904, những tài
liệu cơ bản nhất về bia ký và nghệ thuật kiến trúc Mỹ Sơn đã được
L.Finot chính thức công bố…
Ngay chính từ thời xa, những nghệ nhân
Chăm đã thổi hồn vào những mẫu tượng đất nung, đá sa thạch làm cho chúng
có diện mạo, sự rung động, có hồn và trở nên bất tử. Chính các nghệ
nhân này đã làm cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm trở thành
thành tựu rực rỡ của văn hóa Chăm, là một trong những đỉnh cao của nghệ
thuật, văn hóa của các nước khu vực Đông Nam Á. Nhiều hiện vật được phát
hiện tại khu tháp cổ Mỹ Sơn, tiêu biểu nhất là những tượng vũ nữ, các
thần linh của dân tộc Chăm, những con vật thờ cũng như những cảnh sinh
hoạt cộng đồng đã được đưa về TP. Ðà Nẵng đặt tại Bảo tàng Nghệ thuật
điêu khắc Chăm.
Thánh địa Mỹ Sơn là những tác phẩm nghệ
thuật điêu khắc tiêu biểu, độc đáo, có giá trị văn hóa của một dân tộc,
là những chứng tích sống động, xác thực lịch sử của một trong những nền
văn hóa trong cộng đồng văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Do đó
quần thể di tích Mỹ Sơn là niềm tự hào không của riêng ai!
Bài 2: Gìn giữ cho muôn đời sau
Trải qua bao thăng trầm của lịch
sử, gánh chịu sự khắc nghiệt của thời tiết cùng với những năm tháng đất
nước sống trong cảnh chiến tranh đã làm cho thánh địa Mỹ Sơn xuống cấp
trầm trọng. Để gìn giữ những nét văn hóa Chăm độc đáo này cho muôn đời
sau, chính quyền địa phương và nhà nước đã có sự quan tâm trùng tu, bảo
dưỡng khu Thánh địa này.
Thánh địa Mỹ Sơn lúc nào cũng đông đúc du khách nước ngoài và trong nước về tham quan chiêm ngưỡng những nét văn hóa Chăm
Thánh địa Mỹ Sơn đã nhiều lần được trùng
tu, nhưng được chú trọng và có tính xuyên suốt nhất phải kể từ năm 1981
khi Mỹ Sơn được bảo quản, tu sửa từng phần với sự giúp đỡ về chuyên môn
của công ty P.K.Z (Ba Lan). Theo Ban quản lý di tích Mỹ Sơn từ cuối năm
2008, Chính phủ đã phê duyệt dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá
trị di tích Mỹ Sơn giai đoạn từ năm 2008 – 2020, với tổng diện tích
nghiên cứu đưa vào phạm vi quy hoạch gần 11.160 ha. Với định hướng chiến
lược là bảo tồn Khu di tích một cách bền vững, lâu dài, tương xứng với
giá trị và phù hợp với điều kiện môi trường tự nhiên – xã hội. Dự án
được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2010 đến 2016, triển khai
xây dựng cứ liệu, tài liệu khoa học; giải quyết triệt để bom mìn còn
sót lại trong khu vực; xử lý chất độc hóa học; cải tạo xây dựng kỹ thuật
hạ tầng; xây dựng các công trình quản lý dịch vụ; bảo vệ cảnh quan môi
trường; giải quyết giao thông nội bộ, phục vụ rừng bản địa để nâng giá
trị di tích. Giai đoạn 2, từ năm 2016-2020, trùng tu gia cố 1 số di tích
nằm trong nguy cơ sụp đổ cao.
Cũng để bảo tồn di tích, UNESCO, Chính
phủ các nước thành viên là Italia và Việt Nam đã đầu tư thực hiện “Dự án
trùng tu tôn tạo nhóm tháp G thánh địa Mỹ Sơn” tại khu di tích Mỹ Sơn.
Nhóm tháp G được cho là nhóm công trình đền – tháp quan trọng nhất tại
khu vực di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Dự án được chia làm nhiều giai
đoạn. Giai đoạn I, (từ năm 2003 – 2005) với số vốn viện trợ 642.000 USD;
giai đoạn II, (từ năm 2006 – 2010) với số vốn viện trợ 453.000 USD. Mới
đây, Cục Di sản văn hóa, Viện Tu bổ di tích Trung ương (Bộ VHTTDL),
chuyên gia quốc tế đến từ Viện Nghiên cứu Lerici (Trường ĐH Bách khoa
Milan, Italia), Văn phòng UNESCO Hà Nội cùng Sở VHTTDL Quảng Nam vừa tổ
chức tổng kết giai đoạn 2 của dự án. Theo đánh giá, đến thời điểm hiện
tại, Dự án đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, có ý nghĩa nổi bật
đối với quá trình nghiên cứu khảo cổ, trùng tu tháp Chăm ở Mỹ Sơn và đối
với cả công tác quản lý di sản thế giới này.
Bên cạnh việc tôn tạo, bảo dưỡng trùng
tu quần thể kiến trúc Thánh địa Mỹ Sơn, các giá trị văn hóa, đời sống
tinh thần của người Chăm ngày nay rất được chú trọng và giữ gìn. Thời
gian qua, trong chương trình “Hành trình di sản” hay “Đêm Mỹ Sơn huyền
ảo” do Quảng Nam khởi xướng, nhiều lễ hội của người Chăm xưa được tái
hiện trong những lễ hội tại thánh địa Mỹ Sơn. Tại các lễ hội này chúng
ta bắt gặp những nụ cười của những vũ nữ Apsara rực rỡ xiêm y, bay lượn
trong điệu múa thần linh giữa tiếng cồng chiêng, tiếng kèn saranai,
trống ghì – nằng vang rộn rã trong ánh sáng lung linh…
Chính nhờ làm tốt công tác tôn tạo, bảo
tồn cũng như giữ gìn những nét văn hóa, đời sống tinh thần của người
Chăm thông qua các lễ hội đã góp phần đưa Thánh địa Mỹ Sơn sẽ mãi là
niềm tự hào không của riêng ai.
Theo Kienviet.net
Post A Comment:
0 comments: